Rửa tiền là gì? Quy định xử lý theo luật phòng chống rửa tiền
"Rửa tiền" là một trong những thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong các bản tin tài chính và pháp luật. Đây là hành vi ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được rửa tiền là gì một cách đầy đủ và chính xác.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Rabbit Care tìm hiểu về bản chất, các hình thức và hậu quả của nó cũng như các cách để chúng ta có thể chung tay phòng chống, góp phần xây dựng một môi trường kinh tế lành mạnh và an toàn.
1. Rửa tiền là gì?
Rửa tiền (hay còn được gọi là money laundering trong tiếng anh) là hành vi che giấu hoặc che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản có được từ các hoạt động phạm tội. Nói một cách đơn giản, đây là một "màn ảo thuật" tài chính, biến "tiền bẩn" thành "tiền sạch". Tuy nhiên, động cơ của việc rửa tiền là gì?
Hành vi này được thực hiện nhằm thay đổi nguồn gốc của tiền bất hợp pháp hoặc tiền từ hoạt động tội phạm thành tiền hợp pháp. Mục đích che đậy nguồn gốc và tính hợp pháp của số tiền đó.
Thông thường, hoạt động rửa tiền thường được thực hiện qua việc chuyển giao các khoản tiền qua nhiều tài khoản và quốc gia khác nhau. Từ đó có thể đánh lừa các cơ quan quản lý và tài chính để che giấu dấu vết.
2. Các hình thức rửa tiền phổ biến
Để hiểu hơn về rửa tiền là gì, bạn nên tìm hiểu thêm về các cách thức để tạo ra hành vi bất hợp pháp này. Có nhiều hình thức khác nhau để tạo ra vẻ bề ngoài hợp pháp cho số tiền hoặc tài sản đó.
Dưới đây là một số hành vi phổ biến để nhận diện được rửa tiền là gì.
2.1. Đưa tiền mặt vào hệ thống tài chính
Gửi tiền mặt vào tài khoản ngân hàng: Với cách này, tội phạm có thể gửi tiền mặt vào tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp. Sau đó họ sử dụng số tiền này để thực hiện các giao dịch bình thường như thanh toán hóa đơn, mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ.
Mua sắm tài sản có giá trị cao: Đây là hành vi mua sắm các tài sản có giá trị cao. Ví dụ như mua bất động sản, kim loại quý, xe hơi hạng sang, v.v. để "rửa" tiền.
Đầu tư vào các doanh nghiệp hợp pháp: Nói một cách dễ hiểu, tội phạm đầu tư tiền bất hợp pháp vào các doanh nghiệp hợp pháp. Từ đó, họ có thể che giấu được nguồn gốc của tiền.
2.2. Chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng
Chuyển tiền qua nhiều tài khoản: Một hình thức che giấu dấu vết của dòng tiền bất hợp pháp nữa là chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng ở các quốc gia khác nhau.
Sử dụng các tài khoản ngân hàng giả: Hình thức này bây giờ đã được siết chặt hơn rất nhiều. Với thủ thuật này, tội phạm sử dụng các tài khoản ngân hàng giả để nhận và chuyển tiền bất hợp pháp.
2.3. Sử dụng các doanh nghiệp ma
Thành lập doanh nghiệp ma: Một thủ thuật rửa tiền cực kỳ tinh vi khác là thông qua việc thành lập các doanh nghiệp ma. Sau đó, dùng danh phận này để tạo ra các giao dịch giả mạo và "rửa" tiền.
Sử dụng doanh nghiệp ma để mua bán hàng hóa: Từ cách này, họ có thể sử dụng doanh nghiệp ma để mua bán hàng hóa với giá cao hoặc thấp hơn giá thị trường. Sau đó sẽ tạo ra lợi nhuận "hợp pháp" từ tiền bất hợp pháp.
2.4. Sử dụng các dịch vụ cờ bạc
Đặt cược số tiền lớn: Một hành vi sử dụng tiền bất hợp pháp nữa là đặt cược số tiền lớn tại các sòng bài hoặc các trang web cá cược trực tuyến. Sau đó rút tiền thắng cược để "rửa" tiền.
Sử dụng các sòng bài để chuyển tiền: Tội phạm có thể sử dụng các sòng bài để chuyển tiền bất hợp pháp giữa các quốc gia.
2.5. Các hình thức khác
Sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: Hình thức vi phạm này thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ. Sau đó họ thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản bất hợp pháp.
Sử dụng các dịch vụ chuyển tiền: Thủ thật này dựa vào các dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Từ đó, họ lợi dụng các sơ hở để chuyển tiền bất hợp pháp giữa các quốc gia.
Sử dụng tiền ảo: Hành vi này nhắm tới một trong các hoạt động đang sôi nổi nhất trong giới tài chính - các sàn giao dịch tiền ảo. Chẳng hạn, họ dùng Bitcoin để mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc chuyển tiền bất hợp pháp.
3. Hậu quả của hành vi rửa tiền là gì?
Sau khi đã nắm được các định nghĩa cũng như các hình thức của rửa tiền là gì, cùng tìm hiểu các hậu quả của hành vi này cho xã hội. Trước hết, đối với xã hội, nó làm suy giảm sự tin cậy của hệ thống tài chính. Bởi tiền bẩn có thể dẫn đến việc thao túng thị trường. Từ đó, gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Còn đối với nền kinh tế, khi tiền bẩn được đưa vào ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác, nó có thể gây méo mó giá cả hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, các hình thức rửa tiền sẽ trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế, dẫn đến việc giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Với thị trường như vậy, rửa tiền có thể khiến các nhà đầu tư e dè hơn trong các hoạt động. Ví dụ như, trong khi các doanh nhân chân chính hiểu và áp dụng đúng các quy định của thuế thu nhập cá nhân, hoạt động rửa tiền có thể né tránh được khoảng này. Từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, đối với nền an ninh quốc gia, các hình thức rửa tiền có thể gây nguy cơ lớn. Chẳng hạn như giúp các tổ chức tội phạm có thêm nguồn lực để thực hiện các hoạt động phi pháp khác như buôn bán ma túy, khủng bố, v.v. Từ đó, gia tăng các động cơ để phạm tội khác.
4. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền
Với các hậu quả để lại như vậy, tại Việt Nam, hành vi rửa tiền được quy định tại Luật số 14/2022/QH15 của Quốc hội: Luật phòng chống rửa tiền. Tội phạm có thể đối mặt với các mức phạt được quy định cụ thể để nhằm răn đe, giáo dục cộng đồng, cũng như trừng trị các hành vi không tôn trọng pháp luật.
4.1. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Người thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 324 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Theo đó, họ biết là tiền và tài sản có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
4.2. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
Người thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này. Theo đó, họ thuộc vào trường hợp:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội hai lần trở lên;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
4.3. Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm
Người thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này. Cụ thể là các trường hợp như dưới đây:
- Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4.4. Các hình thức phạt khác
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung bằng một hoặc một số hình phạt khác như:
- Phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm;
- Phạt tiền;
- Tịch thu tài sản;
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn.
4.5. Lưu ý
Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư để biết thêm thông tin chi tiết về thế nào là rửa tiền và trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Bên cạnh đó, một số thông tin trong bài viết về rửa tiền là gì có thể thay đổi theo thời gian.
5. Giải pháp hạn chế hành vi rửa tiền là gì?
Có thể thấy được, rửa tiền đang là một vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, xã hội cũng như nền an ninh quốc gia. Vì vậy, để hạn chế hành vi rửa tiền, bên cạnh các luật phòng chống rửa tiền từ nhà nước, ta cũng cần phải nâng cao ý thức cộng đồng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin.
Nghĩa là, ta cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ về tác hại của rửa tiền và nâng cao ý thức cảnh giác đối với hành vi này. Qua đó, cùng chung tay tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể dễ dàng tố giác các hành vi phạm pháp. Đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ, ta cần chú ý đào tạo vững kiến thức và kỹ năng phòng chống rửa tiền cho các ngành, nghề dễ bị lợi dụng. Chẳng hạn như ngân hàng, bất động sản, v.v.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính cần áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật. Ví dụ xác minh danh tính khách hàng, theo dõi giao dịch nghi ngờ, báo cáo giao dịch nghi ngờ. Hơn nữa, cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật. Qua đó có thể cung cấp thông tin về các giao dịch nghi ngờ và phối hợp điều tra các vụ án rửa tiền.
Để góp phần đơn giản hóa việc phát hiện các hình thức rửa tiền là gì, sử dụng phần mềm phân tích giao dịch là một giải pháp hiệu quả. Ví dụ, phát hiện các giao dịch nghi ngờ rửa tiền tự động. Bên cạnh đó, với sự đa dạng và phát triển điện tử như ngày nay, ta còn có thể sử dụng công nghệ blockchain. Áp dụng nó hiệu quả có thể giúp tăng cường tính minh bạch của các giao dịch tài chính. Từ đó giúp hạn chế rửa tiền.
6. Lời kết
Qua bài viết này, hy vọng Rabbit Care đã giúp bạn khám phá và hiểu sâu hơn về khái niệm "rửa tiền là gì". Tóm lại, đây không chỉ là một thách thức đối với hệ thống pháp luật mà còn là mối đe dọa của nền kinh tế toàn cầu.
Mỗi cá nhân và tổ chức cần nâng cao nhận thức về tác hại của rửa tiền và chung tay góp sức để phòng, chống rửa tiền. Từ đó, có thể góp phần bảo vệ nền kinh tế và hệ thống tài chính ổn định và minh bạch.