Rabbit Care Logo
COMPLETE CARE

So sánh các khoản vay chỉ trong vòng 30s

Rabbit Care

cách-đọc-báo-cáo-tài-chính.png

Cách đọc báo cáo tài chính để chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng

Hiểu về cách đọc báo cáo tài chính là cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt. Rabbit Care sẽ hướng dẫn bạn hiểu thêm về ý kiến của kiểm toán viên, bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cũng như các ghi chú đến báo cáo tài chính. Kiến thức này giúp các bạn đánh giá sức khỏe tài chính, khả năng sinh lời và quản lý tiền mặt của công ty, từ đó đưa ra các lựa chọn đầu tư tốt hơn. Hãy cùng theo dõi bài viết ở dưới đây nhé!

1. Lấy ý kiến từ kiểm toán viên

Nhiều nhà đầu tư cho rằng các báo cáo tài chính đã được kiểm toán là hoàn toàn chính xác nên thường bỏ qua ý kiến của kiểm toán viên. Tuy nhiên, đây là phần rất quan trọng mà nhà đầu tư nên chú ý. Các số liệu trong báo cáo tài chính sẽ không có ý nghĩa nếu kiểm toán viên không đảm bảo tính trung thực của chúng.

ý-kiến-của-kiểm-toán-viên.png

Thông thường, kiểm toán viên sẽ đưa ra một trong bốn ý kiến về độ tin cậy của báo cáo tài chính:

  • Chấp nhận toàn phần: Báo cáo phản ánh trung thực, hợp lý và không có sai sót đáng kể.
  • Ngoại trừ: Có một số thông tin không rõ ràng hoặc không tuân thủ quy tắc, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Không chấp nhận: Báo cáo có sai lệch hoặc không hợp lý theo đánh giá của kiểm toán viên.
  • Từ chối: Kiểm toán viên không thể thu thập đủ bằng chứng để đưa ra ý kiến.

Nhà đầu tư nên chú ý mức độ tin cậy của báo cáo từ "Từ chối" đến "Chấp nhận toàn phần". Báo cáo bị "Từ chối" thường nên tránh.

ý-kiến-kiểm-toán-viên-rất-quan-trọng.jpg

2. Cách đọc báo cáo tài chính về bảng cân đối kế toán

Học cách đọc báo cáo tài chính chứng khoán và bảng cân đối kế toán để hiểu tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Nó bao gồm hai phần chính: Tài sản và Nguồn vốn.

Trong đó, tổng giá trị tài sản luôn bằng tổng giá trị nguồn vốn, đảm bảo sự cân đối tài chính của doanh nghiệp. Bạn có thể hiểu thêm rằng cột Tài Sản tức là tổng tất cả tài sản đang có của công ty. Cột Nguồn Vốn tức là tổng tất cả nguồn vốn công ty đến từ đâu: các nhà đầu tư, nguồn vay từ ngân hàng, các nguồn vay ngắn hạn và dài hạn,…

bảng-cân-đối-kế-toán.jpg

Trong kế toán doanh nghiệp, tài sản là tổng hợp của tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, còn nguồn vốn bao gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.



2.1. Tài sản ngắn hạn



Tài sản ngắn hạn là những tài sản có khả năng lưu động trong thời gian ngắn, có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm hoặc chu kỳ kinh doanh. Đây bao gồm:

  • Tiền và tương đương tiền: bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, đây là tài sản có khả năng thanh khoản cao nhất.
  • Các khoản phải thu: là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán cho doanh nghiệp.
  • Hàng tồn kho: bao gồm nguyên vật liệu, sản phẩm hoặc hàng hóa mà doanh nghiệp đang giữ. Việc tăng hàng tồn kho đồng thời giảm doanh thu có thể biểu thị sự ế hàng của doanh nghiệp.

Tỷ trọng phân bổ hàng tồn kho tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như doanh nghiệp sản xuất sẽ có tồn kho chủ yếu là nguyên vật liệu.

tài-sản-ngắn-hạn.jpg

2.2. Tài sản dài hạn



Tài sản dài hạn là những tài sản mà dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian trên một năm. Trong đó, tài sản cố định là một phần quan trọng của tài sản dài hạn, bao gồm:

  • Tài sản hữu hình: như máy móc, thiết bị, và nhà xưởng.
  • Tài sản vô hình: bao gồm bằng sáng chế, bản quyền, quyền sử dụng đất và thặng dư thương mại (khi mua doanh nghiệp với giá cao hơn vốn chủ sở hữu)."

Tài sản dài hạn

2.3. Nợ phải trả



Nợ phải trả phản ánh trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp đối với các bên ngoài như các nhà cung cấp, khách hàng, nhân viên…

Tương tự như tài sản, nợ phải trả cũng được phân thành hai loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.

Nợ ngắn hạn là những khoản nợ và trách nhiệm tài chính mà doanh nghiệp phải thanh toán trong vòng một năm. Nợ dài hạn là những khoản nợ và trách nhiệm tài chính mà doanh nghiệp được phép thanh toán trong thời gian trên một năm.

Các khoản chính trong nợ phải trả bao gồm:

  • Phải trả người bán: Số tiền mà doanh nghiệp chưa thanh toán cho các nhà cung cấp.
  • Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Phải trả người lao động…: Đây là các khoản mà doanh nghiệp phải thanh toán cho các tổ chức nhà nước (ví dụ như thuế GTGT, thuế TNDN) và cho người lao động.
  • Vay và nợ ngắn hạn/dài hạn: Là các khoản vay nợ từ các tổ chức tín dụng. Trong khi các khoản nợ phải trả đã đề cập trước đó là nợ chiếm dụng (không phát sinh chi phí sử dụng vốn), các khoản vay này đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lãi vay (chi phí sử dụng vốn cho ngân hàng).

nợ-ngắn-hạn-và-nợ-dài-hạn.jpg

2.4. Vốn chủ sở hữu



Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là hai yếu tố quan trọng hình thành nên nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu bao gồm các mục sau:

  • Vốn góp chủ sở hữu: Đây là số vốn thực tế mà chủ sở hữu đã đóng góp vào doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận chưa phân phối: Đây là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp đã giữ lại trong kỳ. Phần này thường được chuyển từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản này.
  • Quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác: Bao gồm các khoản dành riêng cho việc đầu tư phát triển và các quỹ khác mà doanh nghiệp có thể thiết lập để phục vụ mục đích cụ thể.

Vốn chủ sở hữu

3. Cách đọc Bảng cân đối kế toán

 

Các bước đọc bảng cân đối kế toán

Bước 1

Liệt kê và nhấn mạnh các khoản chiếm tỷ trọng lớn trong Tài sản và Nguồn vốn.

Bước 2

Kiểm tra những thay đổi lớn và không bình thường trong các khoản mục so với cùng kỳ trước đó.

Bước 3

Xem xét xem các khoản mục lớn từ Bước 1 có phản ánh đúng lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp không. Đọc thuyết minh BCTC để hiểu rõ hơn về các thay đổi bất thường là do yếu tố gì. Điều này giúp nhận biết được ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bước 4

Từ các thông tin thu được ở Bước 3, nhà đầu tư có thể đưa ra đánh giá về tình hình tài chính và sức khỏe của doanh nghiệp. 

 

Tại sao chỉ quan tâm đến các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn và các thay đổi đột ngột?

 

  •  Bởi vì bất kỳ thay đổi nào trong các khoản mục quan trọng này đều có thể gây ra tác động lớn đến tài sản của doanh nghiệp.

 

  • Ngoài ra, việc lựa chọn các khoản mục quan trọng trong cấu trúc Tài sản - Nguồn vốn giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc tài sản của doanh nghiệp tập trung ở đâu, có phù hợp với lĩnh vực kinh doanh không, và nguồn gốc tạo ra tài sản chủ yếu từ đâu.

 

  • Để đảm bảo sự an toàn và giảm thiểu rủi ro cho nguồn tài chính của doanh nghiệp, tài sản dài hạn cần được tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn tương ứng.

 

Ví dụ: Nếu một dự án đầu tư dài hạn kéo dài 15 năm nhưng lại được tài trợ bằng khoản vay chỉ kéo dài 6 năm, điều này có thể tạo ra rủi ro lớn và áp lực về khả năng thanh toán cho doanh nghiệp.

 

Để phát hiện sớm những tình huống như vậy, nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng biến động của **Vốn lưu động thuần** (tiếng anh gọi là Net Working Capital, nôm na có nghĩa là chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn):

 

Nếu NWC giảm dần và đặc biệt là chuyển sang số âm lớn, điều này có thể báo hiệu sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của sự mất cân đối tài chính.

 

Khi NWC < 0, nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng: Công ty đã sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.

 

 

Cách nhận biết sức khoẻ doanh nghiệp

Doanh nghiệp đang mở rộng

Doanh nghiệp sản xuất: Tài sản dở dang lớn hoặc tài sản cố định tăng mạnh.
Doanh nghiệp thương mại, bán lẻ: Hàng tồn kho tăng mạnh và Biên lợi nhuận gộp được duy trì hoặc tăng trưởng.
 

Doanh nghiệp ổn định

Tài sản cố định không tăng hoặc giảm.
Hàng tồn kho được duy trì ổn định.
Nợ vay ít hoặc giảm dần theo thời gian.
 

Doanh nghiệp có rủi ro

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn không phù hợp với ngành nghề, thực trạng kinh doanh hiện tại hoặc (Nợ vay - Đầu tư tài chính ngắn hạn) / vốn chủ sở hữu cao...

4. Cách đọc báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) của doanh nghiệp thường bao gồm thông tin về doanh thu, lợi nhuận và chi phí từ ba mảng chính:

  • Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động cốt lõi): Bao gồm các hoạt động chính của doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Đây thường là phần quan trọng nhất của KQKD và cho biết hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chính của mình.
  • Hoạt động tài chính: Bao gồm các hoạt động tài chính như thu nhập từ lãi suất, cổ tức, hoặc các giao dịch tài chính khác như đầu tư, vay nợ.
  • Hoạt động khác: Bao gồm các hoạt động không thuộc vào hai mảng trên, thường là các hoạt động không cốt lõi của doanh nghiệp như bán tài sản không cố định, chi phí hoặc thu nhập từ các hoạt động không liên quan đến hoạt động kinh doanh chính.

4.1. Hoạt động kinh doanh chính

Hoạt động kinh doanh chính bao gồm các khoản mục sau:

  • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, đã trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu. Thông thường, đây là phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
  • Giá vốn hàng bán: Bao gồm tất cả chi phí để sản xuất ra sản phẩm hoặc dịch vụ đã cung cấp.
  • Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (QLDN): Tổng số tiền cần chi cho việc bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ – Giá vốn hàng bán
  • Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần về bán hàng, cung cấp dịch vụ

Biên lợi nhuận gộp là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu hệ số này được duy trì ổn định và ở mức cao trong dài hạn, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

4.2. Hoạt động tài chính

Hoạt động tài chính bao gồm:

  • Doanh thu tài chính: Có từ các nguồn như lãi tiền gửi, lãi từ đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá…
  • Chi phí tài chính: Bao gồm chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính… phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.

4.3. Hoạt động khác

Hoạt động khác bao gồm những doanh thu không đến từ hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính. Thông thường, phần này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Thu nhập khác: Từ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản hoặc bồi thường hợp đồng…
  • Chi phí khác: Bao gồm lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản, bồi thường vi phạm hợp đồng…
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác

Lợi nhuận:

  • Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác
  • Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN

Đây là khoản lợi nhuận thuộc sở hữu của doanh nghiệp và cổ đông.

4.4. Cách đọc báo cáo tài chính KQKD

  • Bước 1: Tách riêng doanh thu và chi phí.
  • Bước 2: Tính toán tỷ trọng của từng loại doanh thu trong Tổng doanh thu, tỷ trọng từng loại chi phí trong Tổng chi phí và sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ. Lọc ra những khoản mục bất thường.
  • Bước 3: Đánh giá sự thay đổi của doanh thu và chi phí doanh nghiệp theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Những khoản mục bất thường cho thấy điều gì đang và sẽ xảy ra với doanh nghiệp.

báo-cáo-kết-quả-hoạt-động-kinh-doanh.jpg

5. Cách đọc báo cáo tài chính về lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (LCTT) cho biết các dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Báo cáo này bao gồm ba dòng tiền chính: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư và dòng tiền từ hoạt động tài chính.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh:

  • Dòng tiền vào: Bao gồm tiền thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Dòng tiền ra: Bao gồm các khoản chi trả cho nhà cung cấp, khách hàng, người lao động, chi trả lãi vay, và nộp thuế cho nhà nước.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư:

  • Liên quan đến việc đầu tư, mua sắm, thanh lý tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính:

  • Liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, vay nợ mới).

Trên báo cáo LCTT, dòng tiền ra sẽ được thể hiện dưới dạng số âm, đặt trong ngoặc (), kèm theo các cụm từ như “tiền chi để…”, “… đã trả”. Ngược lại, dòng tiền vào sẽ được thể hiện dưới dạng số dương, với các cụm từ như “tiền thu từ…”, “… nhận được”.

Cách đọc báo cáo tài chính qua lưu chuyển tiền tệ:

  • Doanh nghiệp chín muồi:
  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương (>0).
  • Dòng tiền từ đầu tư nhỏ.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm lớn.



  • Doanh nghiệp tăng trưởng:

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương (>0).

  • Dòng tiền từ đầu tư âm lớn.

  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính nhỏ.

  • Doanh nghiệp rủi ro:

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.

  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm.

  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương lớn.

Sau khi xác định tình hình của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn, hạn chế đầu tư vào các doanh nghiệp có nguy cơ tiềm ẩn.

Nhận biết tình hình tài chính lành mạnh qua dòng tiền chi trả cổ tức:

Một dấu hiệu của tình hình tài chính lành mạnh là dòng tiền trả cổ tức đều đặn trong dài hạn. Ngoài trừ các doanh nghiệp trong thời kỳ tăng trưởng nhanh không trả cổ tức, các doanh nghiệp chín muồi nên chi trả cổ tức cho cổ đông. Việc chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm chứng tỏ dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp là thực chất, và ban lãnh đạo đối xử công bằng với cổ đông.

cách-đọc-báo-cáo-lưu-chuyển-tiền-tệ.png

6. Cách đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp chi tiết các thông tin số liệu đã trình bày trong Bảng cân đối kế toán (CĐKT), Báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD), Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (LCTT) và các thông tin cần thiết khác theo chuẩn mực kế toán cụ thể.

Thuyết minh BCTC bao gồm những nội dung chính sau:

  • Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp: Cung cấp thông tin về lĩnh vực hoạt động, quy mô, cơ cấu tổ chức và các đặc điểm quan trọng khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
  • Kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán: Xác định thời gian báo cáo (kỳ kế toán) và đơn vị tiền tệ được sử dụng trong các báo cáo tài chính.
  • Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng: Liệt kê các chuẩn mực và chế độ kế toán mà doanh nghiệp áp dụng để lập báo cáo tài chính.
  • Các chính sách kế toán áp dụng: Mô tả các chính sách kế toán quan trọng mà doanh nghiệp sử dụng trong việc ghi nhận, đo lường, và trình bày các khoản mục trong báo cáo tài chính.
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán: Cung cấp chi tiết và giải thích về các khoản mục chính trên Bảng CĐKT, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Báo cáo KQKD: Cung cấp chi tiết và giải thích về các khoản mục chính trên Báo cáo KQKD, giúp người đọc hiểu rõ hơn về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên báo cáo LCTT: Cung cấp chi tiết và giải thích về các khoản mục chính trên Báo cáo LCTT, giúp người đọc hiểu rõ hơn về dòng tiền ra và vào từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính của doanh nghiệp.

Cách đọc Thuyết minh BCTC:

  • 1. Đọc và hiểu các đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp: Bước này giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, bao gồm lĩnh vực hoạt động, quy mô và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
  • 2. Xác định kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ sử dụng: Điều này giúp người đọc biết được khoảng thời gian và loại tiền tệ mà các báo cáo tài chính đề cập đến, tạo cơ sở cho việc so sánh và phân tích số liệu.
  • 3. Xem các chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng: Hiểu được các quy định và chuẩn mực kế toán mà doanh nghiệp tuân thủ sẽ giúp người đọc đánh giá tính chính xác và minh bạch của các báo cáo tài chính.
  • 4. Nắm rõ các chính sách kế toán áp dụng: Biết được các chính sách kế toán cụ thể giúp người đọc hiểu cách doanh nghiệp ghi nhận và xử lý các giao dịch tài chính, từ đó đánh giá đúng đắn các số liệu trình bày.
  • 5. Phân tích thông tin bổ sung cho từng khoản mục: Đọc kỹ các thông tin bổ sung giúp người đọc hiểu rõ hơn về các khoản mục trên Bảng CĐKT, Báo cáo KQKD và Báo cáo LCTT, từ đó đưa ra những nhận định chính xác về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

bản thuyết minh báo cáo tài chính

7. Lời kết

Như vậy, Rabbit Care đã giới thiệu với các bạn cách đọc báo cáo tài chính hiệu quả và đơn giản nhất. Hy vọng, Rabbit Care đã mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan nhất về các định nghĩa, các bước đọc hiểu từng dữ liệu và thuật ngữ của một báo cáo tài chính doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo gói vay cá nhân hoặc chương trình mở thẻ tín dụng để hỗ trợ mình trên con đường đầu tư nhé!

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện hiệu suất và thu thập phân tích. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập chính sách cookie của chúng tôi